Cạnh tranh là một vấn đề quan trọng trong kinh doanh thương mại. Với mục đích là bảo vệ môi trường cạnh tranh và thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong nước, pháp luật cạnh tranh đã quy định một số hành vi cạnh tranh không lành mành. Luật cạnh tranh 2018 mới ban hành đã có những đổi mới nhất định so với luật cũ về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, cụ thể là bổ sung một số hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm.
Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành
Pháp luật cạnh tranh 2018 bổ sung hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm đầu tiên là bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp khác cùng kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó. Điểm mới này được bổ sung tại Khoản 6 Điều 45 Luật Cạnh tranh 2018.
Hạn chế của Luật 2004
Trước đó, tại Luật Cạnh tranh 2004 hành vi bán hàng hoá hoặc dịch vụ dưới giá thành toàn bộ được điều chỉnh dưới góc độ pháp luật chống hạn chế cạnh tranh tại Khoản 1, Điều 13 “Bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh” Luật Cạnh tranh 2004 về các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh trên thị trường bị cấm. Tuy nhiên, quy định tại Luật Cạnh tranh 2004 vẫn còn nhiều hạn chế như sau: Thứ nhất, doanh nghiệp thực hiện hành vi bán hàng hóa hoặc dịch vụ dưới giá thành toàn bộ có thể là doanh nghiệp đang chiếm vị trí thống lĩnh song hành vi này vẫn gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác. Thứ hai, nếu hành vi đó được thực hiện vì mục đích gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác là đối thủ đối thủ cạnh tranh trong một thị trường hàng hoá, dịch vụ thì vẫn được xem là hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Quy định mới Luật 2018
Quy định tại Luật Cạnh tranh 2018 đã mở rộng phạm vi áp dụng so với Luật Cạnh tranh 2004, quy định tại Luật Cạnh tranh 2018 không yêu cầu đáp ứng điều kiện “ nhằm cạnh tranh loại bỏ đối thủ cạnh tranh” do vậy không xét đến mục đích hành vi khuyến mại của doanh nghiệp. Mà bắt buộc doanh nghiệp có trách nhiệm khi thực hiện hành vi khuyến mại bán hàng hóa dịch vụ cung ứng dưới giá thành toàn bộ có khả năng hoặc gây thiệt hại đến doanh nghiệp khác. Do vậy, yêu cầu doanh nghiệp tìm hiểu, cân nhắc và nhận thức được sự ảnh hưởng của hành vi trước khi tiến hành triển khai thực hiện.
Ví dụ cụ thể
Một ví dụ điển hình cho tình hình cạnh tranh khuyến mại hiện nay trên thị trường là cuộc cạnh tranh khuyến mại giữa Grab và Go-Viet. Cụ thể, sau khi chính thức hoạt động vào tháng 9/2018, Go-Viet đưa ra cuốc xe đồng giá 5.000 đồng cho những chặng đường dưới 8km đã khiến Grab lao đao vì khách ồ ạt đổ sang ứng dụng mới giá rẻ . Grab đã “phản đòn” với cuốc xe Grabbike đồng giá 2.000 đồng cùng cự ly cho đến khi Go-Viet lên 9.000 đồng, họ cũng chỉ nhích lên 5.000 đồng. Cuộc cạnh tranh khuyến mại giữa hai doanh nghiệp này không chỉ gây ảnh hưởng, thiệt hại cho lẫn nhau mà còn gây thiệt hại cho nhiều doanh nghiệp ứng dụng xe nội địa cùng thị trường như: Ứng dụng VATO của Phương Trang, ứng dụng taxi T.NET do nhóm giảng viên và sinh viên ĐH FPT phát triển, ứng dụng của hãng taxi Mai Linh, ứng dụng DiDi Việt Nam, ứng dụng Xelo…
Hành vi cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ của Grab và Go-Viet đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp khác cùng thị trường thậm chí đe dọa loại bỏ các doanh nghiệp khác ở đây cụ thể là các ứng dụng gọi xe nội địa như: VATO, T.NET, DiDi… Thông qua hành vi này có thể nhận định Grab và Go-Viet thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm quy định tại Khoản 6 Điều 45 Luật Cạnh tranh 2018. Song, khi áp dụng quy định Luật Cạnh tranh hiện hành tại Khoản 1 Điều 45 Luật Cạnh tranh 2004 thì hành vi của Grab và Go-Viet chưa thể xác định là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Để xác định cần xem xét một trong hai doanh nghiệp này có nắm vị trí thống lĩnh thị trường hay không và hành vi của Grab và Go-Viet có nhằm cạnh tranh loại bỏ đối phương không.
Luật Cạnh tranh 2018 bổ sung hành vi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp khác cùng kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó vào các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm. Đã mở rộng phạm vi áp dụng so với Luật Cạnh tranh 2004, quy định tại Luật Cạnh tranh góp phần khắc phục những hạn chế của Luật Cạnh tranh 2004. Đồng thời, phù hợp với tình hình thực tế trên thị trường ngày càng phát triển dạng hóa, đa phương hóa với nhiều loại hình và cách thức cạnh tranh khác nhau.