Chúng ta đều biết rằng việc sử dung, sao chép các tác phẩm đã được công bố đều phải xin phép tác giả. Tuy nhiên có một số trường hợp sử dụng, sao chép tác phẩm không phải xin phép của tác giả. Cần lưu ý rằng có 2 trường hợp sử dụng, sao chép tác phẩm không phải xin phép tác giả. Sử dụng tác phẩm không phải xin phép tác giả; không phải trả tiền thù lao, nhuận bút; trường hợp không phải xin phép tác giả nhưng phải trả tiền thù lao, nhuận bút.
Trường hợp không phải xin phép tác giả không phải trả tiền thù lao nhuận bút
Quy định tại điều 25 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019).
Trường hợp 1: đối với sao chép
Các trường hợp người sử dụng sao chép với mục đích nghiên cứu, học tập không có mục đích thương mại; hoặc trường hợp các tổ chức sao chép tác phẩm để lưu lại trong thư viện với mục đích làm học liệu hoặc dùng vào mục đích nghiên cứu thì không phải xin phép tác giả, chủ sở hữu tác phẩm cũng như không phải trả phí nhuận bút, thù lao.
Trường hợp 2: Đối với trích dẫn
Các trường hợp người sử dụng trích dẫn tác phẩm hợp lý không làm sai ý tác giả; hoặc trường hợp trích dẫn để viết báo, dùng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình truyền hình, phim tài liệu mà không làm sai ý của tác giả; hoặc trích dẫn tác phẩm để giảng dạy không nhằm mục đích thương mại thì không phải xin phép tác giả hay trả thù lao.
Trường hợp 3: Các trường hợp khác
Biểu diễn tác phẩm sân khấu hay các loại hình biểu diễn trong các hoạt động cổ động không thu tiền; hoặc Ghi âm, ghi hình trực tiếp buổi biểu diễn với mục đích đưa tin thời sự hoặc để giảng dạy; hoặc Chụp ảnh, phát sóng tác phẩm tạo hình, kiến trúc, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng được trưng bày tại nơi công cộng với mục đích giới thiệu hình ảnh của tác phẩm đó; hoặc chuyển tác phẩm sang chữ nổi cho người khiếm thị; hoặc nhập khẩu bản sao tác phẩm với mục đích sử dụng riêng.
Các trường hợp này khi sử dụng tác phẩm, người dùng đều không làm ảnh hưởng đến tác giả và tác phẩm.
Trường hợp không phải xin phép tác giả nhưng phải trả tiền thù lao, nhuận bút:
Tại điều 26 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019). Các tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố để phát sóng không phải xin phép. Nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả kể từ khi sử dụng. VD: các vũ trường, nhà hàng, khách sạn, các trang web nhac… khi sử dụng tác phẩm đã công bố (cho dù có tài trợ, quảng cáo hoặc thu phí sử dụng hay không) thì không phải xin phép. Nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữ quyền tác giả kể từ khi sử dụng.
Việc sử dụng này không được làm phương hại đến lợi ích của chủ sở hữu quyền tác giả. Trong trường hợp việc sử dụng gây hại đến lợi ích của chủ sở hữu quyền tác giả có thể sẽ phải chịu các chế tài của pháp luật như bồi thường thiệt hại và xử phạt hành chính.
Trường hợp của quán karaoke, vũ trường họ có thể sử dụng mà không cần xin phép tác giả; nhưng cần trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả. Đối với các bài hát, tác phẩm âm nhạc nước ngoài; các Trung tâm bản quyền âm nhạc sẽ thống kê số lần sử dụng bài hát. Trung tâm này sẽ đại diện cho chủ sở hữu để thu phí của các nhà hàng, vũ trường…
Việc trả tiền cho bản quyền tác giả chính là để bảo vệ quyền lợi ích của chủ sở hữu. Đặc biệt các chủ thể như nhà hàng, vũ trường, quán karaoke là các chủ thể kinh doanh từ việc sử dụng các tác phẩm âm nhạc nên việc trả phí bản quyền là hợp lý.
Như vậy, việc sử dụng các tác phẩm đã công bố thông thường phải có sự cho phép của tác giả và trả phí bản quyền. Nhưng trong một số trường hợp, pháp luật cho phép việc sử dụng này không phải xin phép tác giả tuy nhiên có thể có hoặc không phải trả phí thù lao, nhuận bút.